Khởi động chiến dịch "Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh"
HÀ NỘI, 23/9/2014 – Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai trên 100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Có nhiều bằng chứng ở châu Á và Việt Nam cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa. Những tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan tới sức khỏe cũng như sự sống còn của họ.
Nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã khởi động chiến dịch "Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh”. Chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, cũng như kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa từ Chính phủ và các cơ quan có liên quan cùng chung tay để chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh - một trong các hình thức đối xử phân biệt giới.
Phát biểu tại lễ khởi động chiến dịch, Ông Nguyễn Văn Tân, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhấn mạnh: "Một trong những nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn tới tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đó là sự tồn tại dai dẳng của định kiến giới hay tư tưởng trọng nam khinh nữ, cũng như phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái ở một bộ phận nhân dân. Do đó, cần có các giải pháp đồng bộ, đặc biệt cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của phụ nữ và trẻ em gái".
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm; dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.
Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và là nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.
Cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để thay đổi quan niệm của mọi người về sự ưa thích con trai và các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, đặc biệt quan niệm của nam giới và trẻ em trai.
Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại lễ khởi động chiến dịch: "Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội. Do đó, giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng, mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa-xã hội".
Phân biệt đối xử đối với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái xã hội, là sự vi phạm quyền con người, cần phải được chấm dứt. Bé gái, cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Chiến dịch bao gồm một chuỗi sự kiện với nhiều hình thức: hội thảo, tọa đàm, diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh; tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.
Dù bạn là ai, ở nông thôn hay thành thị, không phân biệt độ tuổi, vùng miền, nghề nghiệp, giới tính, hãy “Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tinh khi sinh”. Mỗi hành động dù nhỏ, bạn đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng xã hội Bình đẳng, Tôn trọng và Yêu thương mọi người.
Để có thêm thông tin xin liên hệ:
Bà Nguyễn Thị Hồng Thanh
Truyền thông UNFPA
Tel: (84-4) 3822 4383 – máy lẻ: 117
Mob: 091 309 3363
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Tin mới
- Workshop on Sharing International and National Experiences in Responding to Demographic Changes for Socio-Economic Development and Policy Implications for Viet Nam
- Viet Nam's population reaches 90,493 million people - Total fertility rate of Viet Nam reaches 2.09 children per woman
- Rockstorm7 - Mobifone and UNFPA's innovative approach to reach young people through music to promote healthy life style
- Raise your hands to hold, not to hit
- World’s 1.8 Billion Young Can Propel Socioeconomic Development, New UNFPA Report Shows
- Second national conference on sexual and reproductive health: from evidence to policy