
Đối thoại chính sách về Tăng cường các giải pháp cho vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam
Hà Nội, ngày 25 tháng 11 năm 2011- Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách tại Hà Nội vào ngày 23/11 về “Tăng cường các giải pháp cho vấn đề bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam” kỷ niệm Ngày thế giới về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ - 25 / 11 hàng năm. Sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của các Bộ ngành trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội dân sự, các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các Đại sứ quán, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và nước ngoài.
Đối thoại chính sách là một trong các sự kiện được tổ chức trong suốt tháng 11 như một hoạt động của chiến dịch toàn cầu với tên gọi “UNiTE” về chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ trong việc phòng, chống và xóa bỏ tất cả các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả mọi nơi trên thế giới vào năm 2015.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào chiến dịch UNiTE do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon phát động vào năm 2008. Chiến dịch nhằm thúc đẩy tiến bộ thông qua việc huy động các chính phủ, tổ chức xã hội, thanh niên, khu vực tư nhân và các cơ quan Liên Hợp Quốc cùng nhau hành động chấm dứt vấn nạn toàn cầu này. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc ban Ki-moon đã nói trong tuyên bố ngày 25/11: “Chúng ta phải đoàn kết. Bạo lực đối với phụ nữ không được khoan dung dưới bất cứ hình thức nào, trong bất cứ bối cảnh nào và trong bất cứ trường hợp nào. Không có ngoại lệ, không biện hộ và không trì hoãn”.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Bạo lực gia đình là vi phạm quyền bình đẳng giữa nam và nữ và cũng là vi phạm Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là một trong các quốc gia sớm phê chuẩn Công ước này. Trong thời gian tới, nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tiếp tục được thực hiện trong tổng thể chính sách phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, trách nhiệm cụ thể đối với từng Bộ, ngành liên quan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc cho biết: “Bây giờ chính là lúc cần hành động. Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ là việc làm trong tầm tay của chúng ta. Chúng ta cần hợp tác với nhau để chắc chắn rằng phụ nữ Việt Nam sẽ được trao quyền, để đứng dậy, để lên tiếng và nam giới Việt Nam cũng góp chung tiếng nói để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ một lần và mãi mãi”.
Trong cuộc đối thoại, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tái khẳng định vai trò của mình với tư cách là tổ chức đại diện cho các quyền phụ nữ, đặc biệt là cho những phụ nữ bị bạo lực. Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở tất cả các cấp tiếp tục hỗ trợ các nạn nhân, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức ở cộng đồng, đặc biệt là nhận thức của nam giới trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Các đại diện của UNAIDS và UN Women công bố những kết quả chính trong một số nghiên cứu về mối liên hệ giữa bạo lực gia đình đối với phụ nữ và kiến thức/hành vi về HIV. Nghiên cứu này phân tích sâu bộ số liệu từ Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ thực hiện bởi Tổng cục thống kê năm 2010.
Đối thoại này còn có bài trình bày từ mạng lưới của các tổ chức phi chính phủ làm việc về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ (DOVINET), tập trung vào kinh nghiệm của xã hội dân sự trong việc tham gia giải quyết vấn đề bạo lực gia đình và hỗ trợ nạn nhân.
Các đại biểu tham gia tại cuộc đối thoại chính sách được khuyến khích tham gia viết cam kết hành động để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Liên Hợp Quốc cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác nhằm xóa bỏ bạo lực gia đình, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Nhấn vào đây để đọc bài phát biểu của Điền phối viên thường trú Liên Hợp Quốc

< Hội hoạ kết nối ‘Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam’
Hưởng ứng ngày Quốc tế Phòng chống Bạo lực đối với Phụ nữ 25/11/2011 và Chiến dịch của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, CCIHP, CSAGA, và các đối tác đồng tổ chức chương trình: Hội hoạ kết nối ‘Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam’ vào ngày 24/11 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Hội hoạ kết nối là hình thức nghệ thuật dung màu sắc và hội hoạ để chuyển tải thông điệp bên trong của người vẽ. Hội hoạ kết nối được thiết kế dựa trên nghệ thuật cộng đồng như là một cách để kết nối và huy động mọi người tham gia vào một tác phẩm chung và trở thành một phần trong nhóm đoàn kết và thống nhất với nhau để cam kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Hoạt động ngoài trời này là cơ hội để các bạn trẻ Việt Nam cùng đại diện cơquan Chính phủ, LHQ, nhà tài trợ, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp tư nhân, nghệ sỹ và phụ nữ bị bạo hành cùng nhau kết nối trong hội hoạ và cùng cam kết chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ tại Việt Nam.
Nhấn vào đây để đọc bài phát biểu của Bà Suzette Michelle

Khởi động chiến dịch truyền thông xã hội “Hành trình yêu thương”
Với mục đích truyền thông, nâng cao nhận thức của giới trẻ về bình đẳng giới, thúc đẩy phát triển những mối quan hệ lành mạnh trong giới trẻ tại Việt Nam, Tổ chức hòa bình và phát triển Tây Ban Nha (PyD, Sáng kiến chung về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc tại Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (P4P) kết hợp cùng các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA, UNWOMEN, UNODC) triển khai chiến dịch truyền thông xã hội dành cho thanh thiếu niên Việt Nam mang tên “Hành trình yêu thương”.
Chiến dịch “Hành trình yêu thương” được đại diện hình ảnh bởi Rocker Phạm Anh Khoa, ca sĩ nổi tiếng và là người ủng hộ quan điểm thẳng thắn, tích cực về bình đẳng giới.
Chiến dịch “Hành trình yêu thương” sẽ bao gồm 3 hoạt động chính: Cuộc thi sáng tác ảnh, Cuộc thi “16 ngày hành động”, Đêm nhạc “Stay Cool”
Cuộc thi sáng tác ảnh “Hành trình yêu thương” nằm trong chiến dịch cùng tên diễn ra từ ngày 21/11 đến ngày 31/12/2011 với thông điệp chính: “Một mối quan hệ lành mạnh cần có tình yêu, bình đẳng, sự chăm sóc, tôn trọng, tin tưởng và không bạo lực”.
Các đối tượng (là công dân Việt Nam sinh sống ở Việt Nam hoặc nước ngoài, ở độ tuổi 15 – 25) tham gia cuộc thi bằng cách tạo nhóm (2 – 3 người) và đăng ký tài khoản trên website của cuộc thi: www.htyt.vn. Các nhóm dự thi chọn các chủ đề trong 5 nội dung gợi ý của cuộc thi để thực hiện tác phẩm dự thi theo hình thức truyện ảnh mang thông điệp tích cực về bình đẳng giới và nói không với bạo lực trong tình yêu.
Cuộc thi “16 ngày hành động” – nhằm sẻ chia, tuyên dương các cá nhân, tập thể đã có những ý tưởng, hành động đẹp góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng và không bạo lực. Cuộc thi diễn ra từ ngày 12/12/2011 – 30/12/2011.
Những nhóm dự thi và cá nhân dự thi xuất sắc nhất tại 2 cuộc thi sẽ nhận được những phần thưởng xứng đáng: 03 iPad dành cho đội có số lượng bình chọn cao nhất và đội được ban tổ chức lựa chọn, 02 chuyến đi Băng Cốc – Thái Lan, gặp gỡ nhóm làm việc phòng chống bạo lực giới tại văn phòng khu vực CA-TBD dành cho cá nhân xuất sắc nhất.
Sự kiện giao lưu âm nhạc “Hành trình yêu thương – Stay cool” với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, sẵn sàng góp phần, chung tay trong chiến dịch phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực giới. Dự kiến đêm nhạc được tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương, Đà Nẵng vào ngày 16/12/2011.
Chia sẻ của đại sứ thiện chí của chiến dịch Phạm Anh Khoa về tình yêu: “Khoa tin rằng trong tình yêu điều quan trọng nhất là bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau! Sẽ rất khó nếu là một mối quan hệ một chiều”
Phát biểu của ông Benjamin Swanton, Giám đốc Chương trình hợp tác truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình tại Việt Nam, PyD: “Hành trình yêu thương” có một cách tiếp cận mới trong công tác phòng chống bạo lức giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Thay vì kết tội, lên án, chúng tôi tập trung vào khuyến khích những quan niệm và thái độ tích cực về bình đẳng giới và nói không với bạo lực của các bạn trẻ. Đây sẽ là những hạt nhân tích cực trong việc thay đổi quan niệm về toàn thế hệ về vấn đề này. Ngoài ra hoạt động này cũng sẽ giúp những người trẻ có thêm kỹ năng để xây dựng mối quan hệ lành mạnh, tốt đẹp”
Ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện Quỹ dân số LHQ tại Việt Nam: “Khuyến khích nam giới tham gia phòng chống bạo lực và bảo vệ tôn trọng phụ nữ là việc cần được đẩy mạnh hơn nữa. Nam giới đóng một vai trò vô cùng quan trọng bởi nếu chỉ từ một phía, phụ nữ sẽ không bao giờ có thể chấm dứt được bạo lực. Điều này cần một mối quan hệ tương tác từ 2 phía nam – nữ và của tất cả chúng ta”.
Chiến dịch “Hành trình yêu thương” hứa hẹn sẽ mang đến một sân chơi đầy bổ ích, góp phần xây dựng những mối quan hệ tình cảm tốt đẹp đồng thời nâng cao nhận thức của người trẻ Việt về bình đẳng giới. Cuộc thi mong nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan báo chí – truyền thông cũng như các tổ chức có sự quan tâm đến vấn đề giới và bình đẳng giới. Các cá nhân/tổ chức tìm hiểu thêm về chiến dịch tại trang web: www.htyt.vn
Để có thêm thông tin, xin mời liên hệ:
Nguyễn Thị Hồng Thanh
Cán bộ truyền thông
Truyền thông Liên Hợp Quốc
Tel: +84 4 3822 4383 (máy lẻ 117)
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Krista Seddon
Cán bộ truyền thông
UN Women
Tel: +84 4 3942 1495 (máy lẻ 203)
Mob: 0122 845 0112
Email:
This e-mail address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Tin mới
- Senior officials meet to discuss combatting human trafficking in the Greater Mekong Sub-region
- Strengthened national network of people living With HIV elects new leaders
- UN and donors continue support to Viet Nam in responding to HIV
- UN welcomes contribution of the Kingdom of Saudi Arabia to the Green One UN House
- United Nations statement at the 2011 Consultative Group Meeting
- UN Special Rapporteur on the right to health concludes Viet Nam visit